The Beatles Brian_Epstein

The Cavern Club, nơi Epstein lần đầu gặp gỡ The Beatles ngày 9 tháng 11 năm 1961

Cái tên The Beatles gây chú ý cho Epstein chính từ những số báo của tờ Mersey Beat, và vô số những poster ở Liverpool, trước khi ông hỏi Bill Harry. Bill Harry giới thiệu Epstein về ban nhạc[23] và họ lên trang bìa trên ấn phẩm của NEMS[24][25]. Trước đó, The Beatles đã ghi âm album My Bonnie với Toni Sheridan tại Đức. Một khách hàng tên là Raymond Jones vào NEMS và hỏi về My Bonnie – điều đó khiến Brian rất tò mò về ban nhạc.

Ngày 9 tháng 11 năm 1961, The Beatles có một suất diễn tại The Cavern Club[18]. Vốn quen biết chủ quán, Sytner, Epstein tạt qua quán để quan sát nhóm nhạc, đồng thời nhờ Sytner mời The Beatles]qua biểu diễn trong lần sinh nhật thứ 21 của anh. Epstein muốn Bill Harry thu xếp việc anh và trợ lý Taylor tới xem buổi diễn của The Beatles, vậy nên họ được vào quán mà không phải xếp hàng, thậm chí có cả những lời chào đón dán ở cửa vào. Brian nói: "Tôi thực sự ấn tượng về âm nhạc của họ, về nhịp điệu và về cái không khí trên sân khấu; và cho tới khi tôi nói chuyện, tôi lại thêm ấn tượng về sự cuốn hút ở tính cách của họ. Và đó chính là sự khởi đầu."

Sau buổi diễn, Epstein và Taylor vào phòng thay đồ dành cho ca sĩ và nói chuyện với ban nhạc. The Beatles, đều là những người từng lên bìa của NEMS, nhận ra Epstein ngay lập tức. Nhưng trước khi Epstein kịp có lời khen cho họ, George Harrison đã nói: "Điều gì đưa ông tới đây?"[26] Epstein rất bình tĩnh: "Tôi muốn tới nói lời chào. Thực sự tôi rất thích màn trình diễn." Brian cũng giới thiệu Taylor với ban nhạc, rồi rời đi: "Vậy thôi, chào nhé."[27] Cả hai sau đó tới nhà hàng Peacock, ăn trưa và Epstein hỏi Taylor nghĩ gì về 4 chàng trai trẻ. Taylor nói họ "thực sự tốt" và nói vô cùng ấn tượng về họ. Brian im lặng hồi lâu rồi sau đó thốt lên: "Với tôi họ hoàn hảo!" rồi quay sang hỏi Taylor: "Cậu nghĩ sao nếu tôi quản lý họ?"[28]

Trong 3 tuần tiếp theo, The Beatles vẫn biểu diễn thường xuyên tại The Cavern Club, và Epstein không bỏ lỡ một buổi diễn nào của họ. Anh liên hệ với Allan Williams (quản lý tạm thời của ban nhạc) để mong muốn thay thế ông. Williams yêu cầu với Epstein "đừng đối xử tệ với các chàng trai", vì Williams không thấy thoải mái khi buổi diễn ở Hamburg của The Beatles không được trả tiền[29][30].

Hợp đồng quản lý

Ngày 3 tháng 12 năm 1961, Epstein họp ban quản trị của NEMS và thuyết phục họ rằng anh sẽ quản lý The Beatles[31]. Lennon, Harrison và Best tới lúc 4 giờ chiều, và họ cùng Epstein gặp gỡ, tranh luận và uống tại quán Grapes ở phố Matthews. McCartney không tới vì, theo Harrison, Paul "còn phải tắm". Epstein thực sự cảm thấy tức giận, tuy nhiên ông quay sang bảo George: "Cậu ấy tới muộn, nhưng cậu ấy sẽ rất sạch sẽ[gc 1]."[32] Harrison còn mời cả quản lý âm thanh của The Cavern Club, Wooler, tới gặp Epstein để Wooler có thể đánh giá về hợp đồng. Brian tỏ ra khá vồn vã, và ông hỏi The Beatles liệu họ đã có quản lý chưa, sau đó ông nhận được những cái lắc đầu. Brian nói: "Điều đó có nghĩa là sẽ có ai sau lưng cái cậu giúp các cậu trong mọi việc."[33] Ngày 6 và 10 tháng 12, họ lại gặp gỡ nhau[34]. Ngày 13 tháng 12, Mike Smith của Decca Records tới Liverpool và dừng tại The Cavern Club và mời các chàng trai trẻ tới thu âm ở Luân Đôn ngày 1 tháng 1 năm 1962.

Đều dưới 21 tuổi, Best, McCartney và Harrison đều cần sự can thiệp của bố mẹ để ký hợp đồng. Mẹ của Best rất ấn tượng trước những thành công của nhà Epstein và bà cho rằng Brian "thực sự có ích cho nhóm nhạc"[35]. Bố của McCartney thì có nhiều nghi ngờ về tài quản lý của một doanh nhân trẻ Do Thái, và nhắc nhở con trai thực sự cẩn thận về tài chính. Giám hộ của Lennon, Mimi Smith, ban đầu từ chối đề nghị vì lo sợ rằng Epstein sẽ lấy tiền của ban nhạc sau vài thành công nhất định, tuy nhiên khi Lennon sang tuổi 21, cậu bỏ ngoài tai mọi ý kiến của dì[36].

Ngày 24 tháng 1 năm 1962, The Beatles ký hợp đồng 5 năm với Epstein[25], với điều kiện Epstein được nhận tận 25% số tiền kiếm được[37]. Epstein nhận được phần lớn của khoản lãi, do anh phải đảm bảo nhiều khoản chi mà không có gì đảm bảo có thể thu về[38]. Brian vẫn quản lý hoạt động của NEMS, đồng thời đảm bảo với cha mẹ của các Beatle, rằng việc quản lý ban nhạc chỉ là công việc bán thời gian của anh và không liên quan gì tới công ty của gia đình anh. Epstein là quản lý chính thức đầu tiên của The Beatles, song anh không tự viết vào hợp đồng điều đó[39]. Anh nói với Taylor: "Nếu có chuyện gì xảy ra, họ có thể giữ tôi, song tôi chẳng thế giữ được họ."[40] Ngày 1 tháng 10 năm 1962, Brian thực hiện thu âm ca khúc đầu tiên, "Love Me Do" của The Beatles, đồng thời ký hợp đồng quảng cáo 3 năm của NEMS với Lennon và McCartney.[5][41][42]

Ảnh hưởng về ngoại hình

The Beatles trên sân khấu vào năm 1964

Dù rằng Brian vốn chưa từng tham gia vào ngành nghệ thuật giải trí, song anh có ảnh hưởng vô cùng lớn tới The Beatles về mặt ngoại hình cũng như thái độ trên sân khấu[40]. Khi lần đầu Epstein gặp gỡ 4 chàng trai, họ mặc quần áo bò, theo trào lưu rock 'n' roll vốn đang thịnh hành. Epstein yêu cầu họ mặc "như những quý ông", với vest và ca-vát, đồng thời nhắc nhở họ nên tránh than vãn, uống rượu, hút thuốc và ăn uống trên sàn diễn. Anh cũng gợi ý rằng họ nên có những đoạn kết hoành tráng mỗi khi kết thúc buổi diễn[43]. McCartney là người đầu tiên tin tưởng mọi ý kiến của Epstein[44]. Brian nói về quá trình thuyết phục The Beatles thay đổi từ quần bò sang quần âu: "Tôi ban đầu khá ủng hộ họ mặc quần áo bò lên sân khấu, song chỉ sau thời gian ngắn, tôi thấy không thể ủng hộ điều đó, và rồi họ bắt đầu chọn những bộ quần áo phổ thông hơn khi diễn, và cuối cùng thì, một điều rõ ràng và hiển nhiên, họ chọn mặc vest."[45] Bộ vest mà ban nhạc mặc được thiết kế theo kiểu của Đức mà họ thấy trong chuyến lưu diễn ở Hamburg[46]. Epstein nói: "Đó là mẫu thiết kế thời thượng nhất lúc đó."[47] John Lennon phản đối ý tưởng mặc vest và đeo ca-vát, nhưng rồi sau đó nhượng bộ: "Tôi sẽ mặc vest. Tôi có thể đeo chiếc mũi đỏ nếu bất kể ai trả tiền cho tôi."[48]

Epstein bắt đầu cố gắng giành lấy sự chú ý của truyền thông, bằng cách "lấy lòng và xun xoe mọi tờ báo", như lời Lennon nói năm 1972[49]. McCartney nhận xét: "Vài bài phê bình đã nâng tầm ban nhạc thêm chút ít, điều đó khiến số tiền bọn tôi được nhận cũng tăng dần." và "Thực sự, chúng tôi dần được chơi nhạc ở những chỗ tốt hơn."[50]

Brian cũng quản lý ban nhạc một cách nghiêm khắc hơn. Họ bắt buộc phải có một buổi diễn trong mỗi đợt ghi âm, trong khi trước kia The Beatles chỉ hú họa có các buổi trình diễn bất kỳ[50]. Ban nhạc gọi Epstein là "Eppy" hoặc "Bri" như một tên thân mật, một cách thể hiện họ coi Brian như một người bạn thân thiết.[51]

Các hợp đồng thu âm

Bức điện tín mà Epstein gửi cho tạp chí Mersey Beat thông báo hợp đồng thu âm đầu tiên của The Beatles

Epstein qua lại Luân Đôn rất nhiều lần để hỏi từng công ty về việc ký hợp đồng với ban nhạc, nhưng lần lượt bị từ chối bởi Columbia, Pye, Philips, Oriole và nổi tiếng nhất là Decca[52]. Epstein thậm chí còn phải trả tiền cho nhà sản xuất của Decca, Tony Meehan, cho từng thu âm của Beatles[52]. Cùng lúc với việc làm việc với Decca, Brian cũng tới EMI và hỏi quản lý Ron White, người sau này nói chuyện với các nhà sản xuất Norrie Paramor, Walter Ridley, Norman Newell về việc thu âm cho ban nhạc. Tuy nhiên cả ba đều từ chối. White buộc phải gặp mặt nhà sản xuất thứ tư của hãng, George Martin, khi ông đang đi nghỉ lễ[53].

Ngày 1 tháng 1 năm 1962, The Beatles tới Decca thực hiện buổi thu âm đầu tiên. Một tháng sau, Epstein nhận được tin từ chối phát hành từ Decca. Vì Epstein đã phải trả tiền để có được bản thu, anh có quyền sở hữu nó và mang tới cửa hàng HMV (sở hữu của EMI) ở địa chỉ 363 phố Oxford ngày 8 tháng 5 năm 1962. Nhân viên bán đĩa Jim Foy cảm thấy thích thú với bản thu và gợi ý Brian tới gặp Sid Coleman, phụ trách công ty phát hành của EMI, Ardmore & Beechwood. Coleman cảm thấy hài lòng với bản thu, và nói Epstein nên gặp George Martin – quản lý của Parlophone. Ngày 9 tháng 5 năm 1962, Brian trực tiếp tới gặp Martin ở Abbey Road Studios[54].

Martin là người đã từng có kinh nghiệm sản xuất với vài nghệ sĩ. Tuy nhiên, ông không có ý định đó với The Beatles, thậm chí không có ý định nghe họ. Mọi thứ chỉ thay đổi khi Martin nghe tin Epstein phải bỏ dở mọi công việc của NEMS để tới xin được chữ ký hợp đồng với ông. Martin nói ông thấy cảm kích về niềm tin của Epstein với The Beatles rằng họ có thể trở nên nổi tiếng, vậy nên ông đồng ý ký hợp đồng[40]. Martin nói ông "chẳng có gì để mất", trong khi việc ký lại giúp EMI có vài lợi thế về mặt kinh tế với NEMS[55].

Sau khi có được hợp đồng với George Martin, Epstein đánh điện tín tới Hamburg cho The Beatles và sau đó tới Bill Harry của tờ Merset Beat ở Liverpool. Kể từ đó, The Beatles thuộc về hãng đĩa Parlophone của EMI, hãng đĩa khá nổi tiếng trong lĩnh vực thu âm và sản xuất nhạc pop và rock. Điều này gây bất ngờ cho họ, vì ban nhạc đã bị từ chối bởi hầu hết các hãng thu âm lớn nhỏ của Anh, trong khi Martin còn chưa từng nghe ban nhạc hát trực tiếp bất kể lần nào[56].

Theo hợp đồng, Epstein sẽ trả cho The Beatles 1 penny (1/100 bảng Anh) cho mỗi bản thu bán được, tính theo cả việc trượt tỷ giá. Phần lợi nhuận dĩ nhiên được chia đều cho các thành viên của ban nhạc[57]. Ngày 6 tháng 6 năm 1962, Martin thực hiện bản thu đầu tiên cho The Beatles tại Abbey Road Studios. Epstein đạt được bước tiến lớn khi thương lượng lại với EMI: ngày 27 tháng 1 năm 1966, The Beatles ký hợp đồng 9 năm với EMI, với điều kiện 25% lợi nhuận được gửi trực tiếp cho NEMS trong suốt 9 năm đó, kể cả khi The Beatles quyết định thay đổi quản lý – việc mà họ đã phải làm ngay năm sau[58].

Sa thải Pete Best

Trong buổi thu âm đầu tiên ngày 6 tháng 6 năm 1962, George Martin được mời tới xem phần thể hiện của The Beatles. Ông nói rằng bản thu sẽ tốt hơn nếu ban nhạc có một tay trống điêu luyện hơn người đang chơi cho ban nhạc, Pete Best[56]. Khi tin này tới tai các thành viên còn lại, Lennon, McCartney và Harrison đều yêu cầu Epstein sa thải Best[40]. Brian khá lưỡng lự để quyết định, anh tới hỏi quản lý âm thanh của The Cavern Club, Bob Wooler, rằng đó có là một điều hay. Wooler nói Best thực sự nổi tiếng với các fan hâm mộ, và đôi khi điều đó là không tốt với những thành viên còn lại[59]. Ngày 16 tháng 8 năm 1962, Epstein quyết định sa thải Best, sau 2 tháng rưỡi cùng thu âm tại EMI. Việc sa thải không đi kèm bất cứ lý do nào[59].

Vị trí còn khuyết của ban nhạc được Epstein đề nghị thay thế bởi Johnny Hutchinson của The Big Three, ban nhạc sau này cũng được Epstein quản lý. Hutchinson từ chối với lý do Best là bạn thân, tuy nhiên anh vẫn tham gia vào vài buổi tập cùng The Beatles cho tới khi Ringo Starr chính thức trở thành Beatle cuối cùng[60]. Starr cũng là một người quen biết ban nhạc, anh vốn là tay trống của Rory Storm and the Hurricanes, ban nhạc từng lưu trú cùng Beatles ở khách sạn Butlins gần Skegness. Starr ban đầu cũng chỉ có ý định thay thế tạm thời vị trí trống cho The Beatles. Tuy nhiên, anh trở thành Beatle sau khi tham gia trọn buổi thu âm của ban nhạc tại Hamburg[56].

Sau Candlestick

Trong giai đoạn 1963-1965, ảnh hưởng của Beatlemania là vô cùng lớn. Epstein và The Beatles trở nên rất bận rộn với lịch diễn, truyền hình và phỏng vấn dày đặc. Liveshow cuối cùng của ban nhạc tại công viên Candlestick, San Francisco ngày 29 tháng 8 năm 1966 đã thay đổi hoàn toàn bản chất công việc của Brian. Anh đề nghị ban nhạc tiếp tục các buổi liveshow, trong khi đó The Beatles đã có những định hướng mới về quan điểm âm nhạc, vậy nên họ thẳng thừng từ chối[61]. Thời kỳ phòng thu của The Beatles chính thức bắt đầu.